Tự làm đồ trang sức ở Bali
Nếu có dịp tới thị trấn Ubud trên hòn đảo Bali xinh đẹp của Indonesia, hãy thử một lần trải nghiệm tự tay làm một món đồ trang sức cho chính mình.
Theo một truyền thuyết cổ của Bali, những vị thần Hindu đã chỉ dạy cho người dân Bali cách chế tác vàng và bạc thành những món đồ trang sức tuyệt đẹp. Hàng trăm năm qua, những người thợ kim hoàn ở Bali rất được tôn kính bởi kỹ năng và sự khéo léo của họ. Cho đến ngày nay, truyền thống làm đồ trang sức vẫn tiếp tục được giữ gìn và phát triển. Bạn có thể nhìn thấy những món đồ trang sức này ở khắp mọi nẻo đường ở Ubud, được mang trên người các phụ nữ bản địa, đôi khi còn được trang trí trên ô cửa sổ của các cửa tiệm ở nơi đây.
Chỉ trong vài giờ đồng hồ, một thợ kim hoàn địa phương có thể dạy du khách cách để tự làm nên những món đồ trang sức cho riêng mình. Một trong số đó là Wayan Sunarta với nụ cười nồng hậu luôn thường trực trên môi. Ông dẫn các vị khách vào xưởng làm việc của mình: một chiếc bàn gỗ được đặt giữa sân bên trong khuôn viên ngôi nhà có cấu trúc gần giống một ngôi đền thờ, phủ đầy rêu phong nhưng rất xinh xắn.
Những món đồ trang sức của Bali vốn được chạm trổ tỉ mỉ, tinh tế thành những hạt nhỏ với họa tiết cầu kỳ, tinh xảo. Tất cả được làm hoàn toàn thủ công từ vàng hoặc bạc. Để có được kỹ thuật này đòi hỏi người thợ phải mất nhiều năm rèn luyện, do đó du khách chỉ thực hành những mẫu thiết kế đơn giản như mặt dây chuyền là gương mặt thanh thản của Đức Phật hay Hoa của Cuộc sống (Flower of Life) với những vòng tròn đan chồng chéo lên nhau.
Sau đó, du khách bắt đầu bước vào quá trình vẽ và cắt bản thảo thiết kế một chiếc nhẫn từ miếng bạc nhỏ cỡ đồng xu bằng một chiếc cưa loại nhỏ. Trong khi mọi người đang tập trung vào việc chạm khắc những đường cong uốn lượn, phức tạp thì Wayan luôn ở bên quan sát và kịp thời giúp đỡ ở một vài đoạn khó khăn, đồng thời ông cũng nói “Bagus sekali!” (Rất tốt!) để khích lệ.
Ông nói rằng: “Bí quyết để trở thành một người thợ kim hoàn tốt là niềm đam mê và sự kiên nhẫn, mà điều này đã có sẵn ở trong máu người Bali. Chúng tôi có khiếu nghệ thuật và thích được làm việc bằng chính đôi bàn tay của mình”.
Một lúc sau, Wayan xâu những hạt nhỏ bé thành một chuỗi dây chuyền, đánh bóng lại thật cẩn thận và đeo nó lên cổ cho du khách. Thật khó để có thể đánh giá chính xác nghệ thuật làm đồ trang sức của người Bali, nhưng bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy hào hứng và thích thú khi được tham gia vào quá trình làm nên một món đồ trang sức nhỏ – truyền thống lâu đời và rất đáng tự hào của những người con Bali.
Trước lúc lên đường, Monique – vợ của Wayan, di chuyển xung quanh du khách theo một nghi lễ của riêng mình, cẩn thận đặt ở cửa một chút ít đồ cúng với hương và hoa, miệng lẩm nhẩm thì thầm những lời cầu nguyện, một nét văn hoá ở Bali.