Bật mí chi tiết kỹ thuật nuôi tôm đồng đạt năng suất cao
Để có một vụ mùa thành công, bà con cần nắm vững và áp dụng đúng kỹ thuật nuôi của từng loại giống tôm nuôi. Dưới đây là những chia sẻ về kỹ thuật nuôi tôm đồng chi tiết nhất giúp bà con hiểu rõ hơn, dễ dàng vận dụng nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng và giá trị kinh tế của tôm.
1. Chuẩn bị ao nuôi tôm đồng
Chọn ao nuôi: tôm đồng đặc biệt không chịu được nước thiếu ô xy, vào giai đoạn lột xác tôm sẽ nằm xuống đáy ao. Với đặc tính này nên bà con cần chú ý chọn ao nuôi có chất nước trong, không ô nhiễm, hệ thống cấp thoát nước dễ dàng, ít bùn lắng. Ngoài ra cũng cần chú ý chọn vị trí phù hợp có nguồn điện thuận tiện, đảm bảo nhu cầu sử dụng của các thiết bị máy móc khi cần tăng lượng oxy cho ao nuôi hoặc những cơ sở chọn cách cho tôm ăn bằng máy…
Tiêu độc cho ao: tiêu độc cho ao nuôi tôm đồng cũng tương tự như thao tác tiêu độc của ao nuôi cá nước ngọt thông thường. Trước khi thả tôm giống bà con nên tu sửa bờ ao và hệ thống cấp thoát nước, đồng thời rút cạn nước trong ao, dọn sạch bùn lắng và cỏ tạp, sau đó để phơi nắng đáy ao. Tiếp theo sẽ dùng thuốc tiêu độc triệt để cho ao để diệt trừ sinh vật có hại.
Chăm sóc chất nước: sau khi dọn sạch và phơi nắng áo nuôi từ 7 – 10 ngày, bà con sẽ tháo nước vào ao, chú ý lắp thêm 1 tấm lưới lọc ở cửa cấp thoát nước giúp ngăn chặn các sinh vật có hại theo vào ao nuôi từ nguồn nước. Sau khi cấp nước vào ao nuôi, tiến hành bón từ 0,3- 0,45kg phân chuồng đã ủ chua/1m2 ao, hoặc bón 0,2- 0,4g phân lân/m3 và 2- 4g phân đạm/m3 nước để nuôi dưỡng sinh vật phù du trong ao làm cho nước ao có màu xanh nâu, hoặc xanh vàng.
2. Chọn giống tôm đồng khỏe mạnh để thả nuôi
Để có vụ mùa thành công với năng suất cao bà con cần lựa chọn giống tôm đồng khỏe mạnh, có kích thước đồng đều, tôm bám thành tốt, hoạt động linh hoạt. Khi chọn mua giống tôm đồng bà con chú ý tôm giống khỏe khi bơi đuôi sẽ xòe ra, cặp râu khép kín, đặc biệt tôm khỏe sẽ có phản ứng búng ngược và thường phản xạ sẽ rất nhanh.
- Có thể bạn quan tâm: Nuôi tôm nhưng đêm lại nằm mơ thấy tôm thì có điềm báo gì cho chủ hồ, dưới đây là tổng hợp các điểm báo bạn sẽ gặt hái được nhiều may mắn khi mơ thấy tôm dưới bài viết này nhé.
3. Kỹ thuật thả tôm đồng giống
Để thả tôm đồng giống có tỷ lệ sống cao nhất bà con nên chọn thả tôm giống vào lúc sáng sớm, hay chiều mát. Thả tôm vào đầu hướng gió để tôm dễ phân tán khắp ao, chú ý không nên thả tôm khi trời mưa hoặc điều kiện môi trường ao nuôi chưa thích hợp. Mật độ nuôi phù hợp nhất là từ 3-4 con/m2 đối với ao nuôi có diện tích từ 0,5- 1,0ha, thả từ 5-10 con/m2 với ao nuôi có diện tích nhỏ hơn 0,5ha. Dưới đây là 2 cách thả tôm bà con có thể áp dụng:
Cách 1: Trường hợp độ mặn của nước ao nuôi và nước trong bọc tôm giống chênh lệch nhau không quá 5%. Bà con sẽ thả bọc tôm giống trên mặt ao trong khoảng 10- 15 phút nhằm cân bằng nhiệt độ trong và ngoài bọc, sau đó mở bọc cho tôm giống bơi ra từ từ.
Cách 2: Trường hợp độ mặn của nước ao nuôi và nước trong bọc tôm giống chênh lệch nhau trên 5%. Bà con chuẩn bị một thau lớn khoảng 20 lít và máy sục khí. Sau đó mở từ từ các bọc tôm vào thau (khoảng 10.000 con/thau) và sục khí, đồng thời cho thêm nước ao vào thau giúp tôm dần thích nghi; sau 10- 15 phút thì nghiêng thau từ từ cho tôm bơi ra ao nuôi.
4. Kỹ thuật quản lý sức khỏe cho tôm đồng
Hằng ngày bà con cần theo dõi phát hiện những hiện tượng không bình thường của tôm đồng. Cần chú ý vớt và xử lý số lượng tôm bệnh và chết trong ao nuôi.
Mỗi tuần bà con cần bắt khoảng 10 con tôm lên để kiểm tra vỏ hoặc mang tôm đồng có bị bẩn không. Nếu thấy có vết bẩn bà con nên rắc thức ăn ra xa hơn và lấy lưới mắt nhỏ hoặc dùng tay để vớt tảo trên mặt nước và cả ở đáy ao. Sau đó thay từ 15- 20cm nước rổi rải đều bột đá xuống ao theo mức từ 200- 300kg/ha ao nuôi. Trong trường hợp theo dõi tôm từ khi thả đến khoảng 3 – 4 tuần, tôm không bệnh mà vẫn bơi quanh bờ, kiểm tra đáy ao bình thường (đất không có màu đen và không có tảo) thì bà con chỉ cần tăng thêm một chút lượng thức ăn cho tôm.
Trường hợp nhận thấy tôm bệnh, hoặc chết sau khi trời mưa và đất ao có chất phèn bà con cần lập tức bón vôi bột quanh bờ ao theo tỉ lệ từ 100- 200kg/ha. Cần tham khảo ý kiến cán bộ khuyến ngư để đo độ pH và độ mặn của nước để có biện pháp xử lý thích hợp. Ngoài ra nếu thấy tôm bơi quanh bờ vào các buổi sáng sớm, cần tiến hành thay ngay 15- 20cm nước, đồng thời giảm lượng thức ăn và tăng cường quạt nước trong ao nuôi.